Triển lãm tranh “Về Ngộ” của họa sĩ Hoàng Phong tại Núi Bà Đen, Tây Ninh
Điều gì sẽ xảy ra khi cảm hứng Phật giáo hòa quyện với tín ngưỡng Việt? Câu trả lời nằm trong bộ sưu tập tranh "Về Ngộ" của họa sĩ Hoàng Phong. Với kỹ thuật tả thực tỉ mỉ, tựa như trạng thái thiền định, 45 bức tranh màu nước sống động sẽ đưa bạn đến với vẻ đẹp linh thiêng của những ngôi chùa Việt và hành trình trở về nội tâm. Triển lãm đặc biệt này sẽ diễn ra tại Núi Bà Đen, ngọn núi thiêng cao nhất Nam Bộ từ ngày 25/4/2025, hướng tới Đại lễ Vesak 2025. Hãy cùng đắm mình trong không gian nghệ thuật và tâm linh, nơi thông điệp trí tuệ, từ bi và hạnh phúc đích thực được lan tỏa.
Ngày 14/04/2025
Núi Bà Đen
Mục lục

1.1. Núi Bà Đen (Tây Ninh)   

 

 

Nằm cách Thành phố Tây Ninh khoảng 11 km, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam bộ. Từ lâu, người dân Nam bộ coi nơi đây là vùng đất tâm linh gắn liền với nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian.

Núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Nơi tiếp giáp giữa ba ngọn núi này tạo thành một thung lũng mang tên Ma Thiên Lãnh. Với độ cao 986m so với mực nước biển, nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón khổng lồ. 

Núi Bà Đen thực chất là một ngọn núi lửa đã tắt cách đây khoảng 11.700 năm, có cấu tạo địa chất bởi nhiều tầng đá tảng chồng lên nhau tạo ra nhiều hang động tự nhiên và một thảm động, thực vật phong phú đa dạng về sinh thái. 

Theo Gia Định thành thông chí, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Đinh. Những bậc kỳ lão địa phương gọi đây là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đen. Gia Định thành thông chí mô tả ngọn núi này: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù, tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. Núi Bà Đen được coi là ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế. 

Các nghiên cứu cho thấy núi Bà Đen là một trong số các huyệt đạo thiêng nhất nước Nam, là nơi hội tụ linh khí đất trời, là điểm giao hoà giữa trời và đất. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, vốn dĩ giữa cánh đồng mênh mông nổi lên ngọn núi đơn côi một mình, thì bao giờ núi ấy cũng thiêng: “Đây là ngọn núi hút sinh lực của trời cha xuống cho lòng đất mẹ, để cho muôn loài sinh sôi. Đó cũng chính là một trục vũ trụ nối trời với đất để thúc đẩy cho hạnh phúc được tràn đầy trong tất cả mọi nhà, mọi nơi”.

Ngọn núi cao nhất Nam bộ này cũng gắn liền với huyền thoại về Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát), với các câu chuyện hiển linh báo mộng và lòng từ bi phổ độ chúng sinh. Vì vậy, nhiều người xem việc đặt chân đến ngọn núi thiêng Bà Đen, hành hương tại hệ thống chùa Bà và chiêm bái các công trình văn hoá tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh núi là việc phải làm mỗi năm để cầu bình an và may mắn. 

1.2. Linh Sơn Tiên Thạch Tự (núi Bà Đen, Tây Ninh)

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ, nơi thờ vị nữ thần chủ (Linh Sơn Thánh Mẫu). Trên núi hiện có nhiều chùa, am, động, miếu cùng các công trình tâm linh kỳ vĩ… Tại lưng chừng núi là hệ thống chùa Bà gồm có 6 ngôi chùa: chùa Quan Âm, chùa Hang (chùa Linh Sơn Long Châu), chùa Hoà Đồng, chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Long Châu Phước Trung và chùa Linh Sơn Phước Trung. Trong đó, Linh Sơn Tiên Thạch Tự - ngôi chùa được tạo lập từ thế kỷ 18, là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống các chùa tại núi Bà Đen. Chùa do Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu thuộc chi phái Thiền Liễu Quán khai sơn vào giữa thế kỷ XVIII.

Sau nhiều lần trùng tu từ một ngôi chùa cũ lợp lá, vách ván, Linh Sơn Tiên Thạch Tự hiện có diện tích 210m2. Tại Chùa còn giữ hai cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, mỗi cột cao 4,5m, đuờng kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn. 

Ở sân chùa có tôn trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí ngọc Xá lợi Phật, bảo vật được Vua Sãi Thái Lan tặng Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Hòa thượng cúng dường cho Chùa vào năm 2000.

Bên cạnh Linh Sơn Tiên Thạch Tự là Điện Bà được dựng từ một hang đá nhô ra thành động, là điểm chính thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát trong hệ thống các chùa núi Bà. 

Điện Bà là nơi duy nhất tại Tây Ninh thờ pho tượng Linh Sơn Thánh Mẫu bằng ngọc tại chính điện. Pho tượng ngọc này do một gia đình hậu duệ của vua Gia Long hiến cúng vào khoảng năm 2013. Khối ngọc để tạc tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được lấy từ mỏ đá ở Myanmar và được các nghệ nhân chế tác tinh xảo. 

Hàng năm, tại Điện Bà có rất nhiều hoạt động văn hoá tín ngưỡng, trong đó lớn nhất là Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu diễn ra từ ngày 4-6/5 Âm lịch đã được công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia” năm 2018. Đây cũng là lễ hội tâm linh quan trọng nhất của người dân Nam bộ.

1.3. Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát (Bà Đen)

Linh Sơn Thánh Mẫu được xem là nữ thần chủ, là hiện thân uy linh cao nhất của ngọn núi Bà Đen. Thay vì toạ lạc tại một vị trí duy nhất, Linh Sơn Thánh Mẫu đã hiển linh ở khắp vùng núi. Nơi nào có cơ sở thờ tự, nơi đó có sự hiện diện của Bà.

Có nhiều truyền thuyết khác nhau kể về xuất thân của Linh Sơn Thánh Mẫu. Truyền thuyết được biết đến nhiều nhất là nàng Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn. Trong một lần lên núi lễ Phật, Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng chung thuỷ với chàng Lê Sĩ Triệt, nàng nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi thác oan, Lý Thị Thiên Hương hiển thánh trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa, báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết nơi nàng bị nạn. Vì người phụ nữ báo mộng rất đen đúa nên vị sư gọi là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính. 

Một lần, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, phải chạy đến vùng đất Trảng Bàng Bà Đen xuất hiện trong mộng của chúa Nguyễn Ánh, chỉ đường chạy thoát thân. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho đúc tượng Bà Đen bằng đồng đen và giao cho vị quan trấn thủ đưa lên núi tại động thờ Bà, đồng thời sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu. Người dân gọi nơi thờ là Linh Sơn Tiên Thạch Động, và gọi ngọn núi là núi Bà Đen.

Trên núi hiện nay, hệ thống chùa Bà gồm có 6 ngôi chùa, đồng thời cũng là 6 điểm dựng điện thờ Bà, đó là: chùa Quan Âm, chùa Hang (chùa Linh Sơn Long Châu), chùa Hoà Đồng, chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Long Châu Phước Trung và chùa Linh Sơn Phước Trung. Trong đó, Điện Bà và Linh Sơn Tiên Thạch Tự - ngôi chùa được tạo lập từ thế kỷ 18, là điểm thờ chính và lâu đời nhất tại núi Bà Đen.

Dù ở mỗi điện thờ, Linh Sơn Thánh Mẫu được tạo tác khác nhau, nhưng Bà vẫn là hiện thân uy linh cao nhất vùng núi này, là hoá thân của Bồ Tát với lòng từ bi hỉ xả phổ độ chúng sinh. 

1.4. Tôn tượng Di Lặc Bồ Tát (núi Bà Đen, Tây Ninh)

Nằm ở độ cao hơn 900m trên đỉnh núi Bà Đen, Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc khổng lồ ở tư thế ngồi, với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình tướng mập mạp, cổ đeo tràng hạt. Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc ngồi trên thác nước chảy tràn, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, bao quát toàn cảnh đồng bằng Nam bộ cùng hồ Dầu Tiếng rộng lớn. Là biểu trưng cho sự vui vẻ, an lạc, may mắn, tài lộc và hạnh phúc, từ trên cao, Bồ Tát Di Lặc nở nụ cười hỉ hả như ban phước lành, nỗi hân hoan và niềm hạnh phúc vĩnh cửu tới chúng sinh. 

Tượng có chiều cao 36 mét, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn, cổ đeo chuỗi Phật châu gồm 54 hạt. Tôn tượng Di Lặc được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. Từng viên đá sa thạch được lọc lựa kỹ lưỡng, kiểm tra màu, vân đá, và kích thước chuẩn xác, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế. Các viên đá sa thạch được xếp chồng lên nhau thành 54 lớp, mỗi viên đá ghép trung bình có chiều dài 100-120cm, cao bình quân 70cm, dày 50cm. Tổng khối lượng đá sa thạch sử dụng để ghép nên bức tượng là 2.025m3.

Tượng Bồ Tát Di Lặc được đặt trên địa hình đặc biệt, nằm trên đỉnh phân thuỷ có địa hình dốc lớn của núi Bà Đen. Trong điều kiện thời tiết trên đỉnh núi thường xuyên gió lớn, sương mù dày đặc, từng khâu trong quá trình xây dựng và chế tác tượng đều vô cùng phức tạp. Trong đó, định vị phần vỏ tượng và phần lắp đá là công đoạn phức tạp hơn cả. 120 nhân công đã thay phiên nhau làm việc từ sáng đến 21h  và hoàn thiện công trình Đại tượng chỉ trong khoảng thời gian 9 tháng. Từng viên đá đều được đánh dấu một cách khoa học để có thể lắp đặt chuẩn xác. Các vị trí phức tạp nhất của tượng Di Lặc là bàn tay, bàn chân, mũi, cằm, miệng, và chuỗi hạt, đòi hỏi sự chế tác và ghép đá tỉ mỉ, cầu kỳ để đảm bảo tính cả tính kỹ thuật, mỹ thuật và linh hồn cho tượng Phật.

So với những bức tượng Phật lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng, Đại tượng Phật Di Lặc tại Núi Bà Đen là bức Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới.

Trong văn hoá Phật giáo, có nhiều truyền thuyết về Phật Di Lặc, nhưng tựu chung lại Di Lặc Bồ Tát chính là vị Phật của tương lai. Hiện, Ngài đang là Bồ Tát trú tại cung trời Đâu suất (cõi trời nằm giữa Dạ Ma thiên và Lạc Biến hoá thiên), sau hàng vạn năm nữa sẽ giáng thế và kế tiếp Đức Phật Thích Ca để tuyên thuyết và truyền thừa chánh pháp.

Theo truyền thuyết, niềm vui lớn nhất của vị Bồ Tát này là biến những buồn phiền, giận dữ, áp lực của con người thành niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì vậy, Phật Di Lặc còn được gọi là Phật Cười, và luôn có tướng mạo mập tròn vui vẻ, trẻ con quấn quýt xung quanh. Người ta tin rằng nụ cười nội tâm của Phật Di Lặc mạnh tới mức luôn toả sáng trên khuôn mặt hiền từ và hoan hỉ. 

Bồ Tát Di Lặc tới đâu, ở đó có hạnh phúc, có niềm vui, sự an lạc và may mắn. Bởi vậy, hành trình hành hương đến với núi Bà Đen để chiêm bái Di Lặc Bồ Tát sẽ là hành trình tìm đến miền đất của sự hoan hỉ, cởi bỏ mọi muộn phiền, âu lo để kiếm tìm niềm hạnh phúc viên mãn. 

1.5. Lễ dâng đăng núi Bà Đen

Dâng hoa đăng là nghi thức diễn ra vào các buổi tối Thứ 7 và các dịp lễ tại đỉnh núi Bà Đen, tạo nên một hoạt động ý nghĩa cho đông đảo Phật tử, du khách.

Ngọn đèn hoa đăng tượng trưng cho ngọn đèn trí tuệ, soi đường dẫn lối cho người con Phật trong đêm trường vô minh. Kinh Nhân Quả dạy, ai cúng hoa cho chư Phật, Bồ-tát sẽ được phước báo, thân tướng xinh đẹp, còn ai cúng dường đèn sáng sẽ được thông minh trí tuệ. Cho nên, cúng dường hoa đăng là gieo trồng phước lành, trang nghiêm thân tâm của người Phật tử. 

Tại núi Bà Đen, Phật tử và du khách sẽ tự tay ráp đèn đăng và viết lời cầu nguyện, thắp sáng các ngọn đăng và thả trên dòng nước quanh trụ kinh Bát Nhã dưới chân đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.

Sau mỗi đêm dâng đăng, các ngọn đèn đăng với lời nguyện ước sẽ được ban tổ chức làm lễ hóa nguyện, dâng lên Chư Phật, Chư Bồ Tát, ngưỡng mong những ước cầu sẽ thành hiện thực.

1.6. Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn (núi Bà Đen, Tây Ninh)

Ngự toạ nơi cao nhất trên đỉnh núi Bà Đen, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là hiện thân của trí tuệ, đức hạnh và lòng từ bi phổ độ chúng sinh. Tượng Phật Bà đứng uy nghiêm trên đài sen bằng đồng, hướng tuệ nhãn từ bi về vùng đồng bằng trù phú và hồ Dầu Tiếng mênh mông. 

Với tổng chiều cao 72m, đại tượng được tạo tác từ 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của Châu Âu. Năm 2020, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn xác lập kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi”.

Xung quanh tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là bốn bức tượng Tứ Đại Thiên Vương bằng đồng uy vũ -  những vị tướng của Thiên Đế giúp cai quản 4 phương để hộ trì thế giới, duy trì sự an lạc, mưa thuận gió hòa. 

Nhìn từ trên xuống, tượng Phật Bà tựa như đang ngự tọa trên một đài tháp được sắp xếp bởi những đĩa tròn khổng lồ. Từ những đĩa tròn này, thác nước đổ xuống, chảy tràn về 5 đĩa nước lớn được sắp đặt thấp dần về phía Đông. Trên 4 đĩa nước là 4 pho tượng Quan Âm: Lưu Ly Quan Âm tay cầm viên ngọc, Trì Liên Quan Âm tay cầm hoa sen, Sái Thuỷ Quan Âm tay cầm bát ngọc, và Phổ Bi Quan Âm tay cầm áo pháp. Đĩa nước cuối cùng là nơi trụ kinh Bát Nhã cao 19,8m uy nghi từ lòng núi thiêng Bà Đen vươn tới trời cao.

Dưới chân tượng Phật Bà là khối đế cao 4 tầng với lối kiến trúc đồng tâm có tổng diện tích lên tới 4,410 m2. Đây là trung tâm triển lãm Phật giáo với rất nhiều trải nghiệm tâm linh độc đáo như khu lưu trữ Xá lợi Phật Thích Ca, khu trưng bày các mô hình chùa cổ bằng công nghệ 3D Hologram, khu triển lãm các mô hình tượng Phật kinh điển, khu chiếu phim 3D mapping, không gian của cụm trụ kinh Bát Nhã…

1.7. Điện Bà (núi Bà Đen, Tây Ninh)

Điện Bà năm trong hệ thống chùa Bà tại lưng chừng núi Bà Đen, Tây Ninh. Điện được dựng từ một hang đá nhô ra thành động, là điểm chính thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát trong hệ thống các chùa núi Bà. 

Linh Sơn Thánh Mẫu được xem là nữ thần chủ, là hiện thân uy linh cao nhất của ngọn núi Bà Đen. Có nhiều truyền thuyết khác nhau về xuất thân của Linh Sơn Thánh Mẫu. Truyền thuyết được biết đến nhiều nhất là nàng Lý Thị Thiên Hương - con gái của quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn, đã nhảy xuống khe núi tử tiết để giữ lòng chung thuỷ với chàng Lê Sĩ Triệt. Sau khi chết, Lý Thị Thiên Hương nhiều lần hiển linh báo mộng trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa. 

Một lần, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, Bà Đen báo mộng chỉ đường cho Chúa chạy thoát thân. Sau khi lên ngôi, Gia Long cho đúc cốt tượng Bà Đen bằng đồng đen và giao cho quan trấn thủ đưa lên núi tại động thờ Bà, đồng thời sắc phong là Linh Sơn Thánh Mẫu. 

Điện Bà là nơi duy nhất tại Tây Ninh thờ pho tượng Linh Sơn Thánh Mẫu bằng ngọc tại chính điện. Pho tượng ngọc này do một gia đình hậu duệ của vua Gia Long hiến cúng vào khoảng năm 2013. Khối ngọc để tạc tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được lấy từ mỏ đá ở Myanmar và được các nghệ nhân chế tác tinh xảo. 

Hàng năm, tại Điện Bà có rất nhiều hoạt động văn hoá tín ngưỡng, trong đó lớn nhất là Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu diễn ra từ ngày 4-6/5 Âm lịch. Đây cũng là lễ hội tâm linh quan trọng nhất của người dân Nam bộ. 

1.8. Toà Thánh Cao Đài (Tây Ninh)

 

Tòa Thánh Cao Đài là trung tâm tôn giáo lớn nhất và là cơ quan trung ương của đạo Cao Đài. Công trình tọa lạc tại thị xã Hòa Thành, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 4km về hướng Đông Nam, tỉnh Tây Ninh. 

Tòa Thánh được khởi công xây dựng vào năm 1931 và hoàn thành cơ bản vào năm 1947 (chính thức khánh thành năm 1955). Kiến trúc Tòa Thánh là sự tổng hòa độc đáo giữa các yếu tố tâm linh, triết học và mỹ thuật Đông - Tây. Với chiều dài gần 100m, Tòa Thánh gây ấn tượng mạnh mẽ bởi hai lầu chuông và lầu trống cao vút phía trước, giống như nhà thờ phương Tây. Bên trong là Đại Điện với hai hàng cột rồng uốn lượn, sơn màu rực rỡ. Nơi tôn nghiêm nhất là Cung Đạo, thờ Thiên Nhãn đặt trong quả càn khôn, biểu tượng cho Thượng Đế duy nhất, toàn năng.

Toà Thánh với kiến trúc lộng lẫy là điểm đến tâm linh thu hút hàng triệu du khách đến với Tây Ninh mỗi năm, đặc biệt vào thời điểm diễn ra hai lễ hội lớn nhất trong năm là Lễ Vía Đức Chí Tôn (tháng Giêng) và Hội Yến Diêu Trì Cung (Rằm tháng Tám).

2.1. Chùa Trấn Quốc (Hà Nội)

Tọa lạc trên đảo phía Đông Hồ Tây, Hà Nội, chùa Trấn Quốc có lịch sử gần 1500 năm, là ngôi chùa lâu đời nhất ở Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo thời Lý-Trần, chùa kết hợp hài hòa giữa kiến trúc uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa hồ nước mênh mang, thu hút nhiều Phật tử và khách du lịch.

2.2. Chùa Hương (Hà Nội)

Chùa Hương nằm tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đây là quần thể văn hóa-tôn giáo rộng lớn có từ thế kỷ 15. Gồm nhiều ngôi đền, chùa nằm rải rác trong thung lũng suối Yến, tiêu biểu là chùa Thiên Trù và động Hương Tích. Du khách thường đi thuyền rồi leo núi hoặc đi cáp treo để đến động Hương Tích.

2.3. Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1070 thời Lý Thánh Tông, đây là quần thể di tích lịch sử, văn hóa và giáo dục hàng đầu Việt Nam. Nổi bật với Khuê Văn Các (biểu tượng Hà Nội), khu nhà bia Tiến sĩ với 82 tấm bia đá trên lưng rùa, minh chứng cho tinh thần tôn sư trọng đạo và coi trọng hiền tài của dân tộc.

2.4. Đền Xuân Yên (Hà Nội)

 

Đền Xuân Yên tọa lạc tại số 44 phố Hàng Cân, Hoàn Kiếm, đây là di tích lịch sử-văn hóa giữa khu Phố Cổ. Có quy mô nhỏ gọn, kiến trúc đình đền phố thị bằng gỗ truyền thống, mái ngói ta. Đền thờ vị Thành hoàng làng Xuân Yên, là trung tâm tín ngưỡng quan trọng của người dân khu vực.

2.5. Đền Ngọc Sơn (Hà Nội)

Đền Ngọc Sơn là một di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng, tọa lạc trên Đảo Ngọc giữa Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), Hà Nội. Để vào đền, du khách đi qua cây cầu Thê Húc màu đỏ son đặc trưng, hình ảnh mang tính biểu tượng của thủ đô.

Đền được hình thành từ thế kỷ 19, Đền là nơi thờ Văn Xương Đế Quân (vị thần coi sóc văn chương, khoa cử theo Đạo giáo) và anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, đền còn phối thờ Quan Đế (Quan Vũ) và Lã Tổ (Lã Động Tân).

Đền Ngọc Sơn là điểm đến linh thiêng thu hút đông đảo người dân và sĩ tử đến cầu nguyện, đặc biệt là cầu cho đường học vấn, thi cử thuận lợi. Đồng thời, đây cũng là nơi thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc hiền tài, anh hùng dân tộc. Vị trí đắc địa giữa Hồ Gươm huyền thoại càng làm tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp độc đáo cho ngôi đền, biến nó thành một biểu tượng không thể tách rời của Hà Nội.

2.6. Đền Bà Kiệu (Hà Nội)

 

Đền Bà Kiệu còn gọi là Thiên Tiên Điện, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh Hồ Gươm, đối diện Đền Ngọc Sơn. Xây dựng khoảng thời Lê Trung Hưng hoặc đầu thời Nguyễn, đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, chủ yếu là Mẫu Liễu Hạnh. Kiến trúc truyền thống với cổng Tam Quan bề thế, cổ kính.

Cổng Tam Quan bề thế, cổ kính nằm sát mép hồ, trong khi khu Đền chính với các tòa thờ tự nằm ở phía bên kia đường. Khu đền chính mang đậm phong cách kiến trúc đền miếu truyền thống với mái ngói, cột lim, và các họa tiết trang trí tinh xảo.

Ngôi đền đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

2.7. Chùa Thầy (Hà Nội)

Chùa Thầy tọa lạc dưới chân núi Sài Sơn, xã Sài Sơn, Quốc Oai. Xây dựng từ thế kỷ 11, gắn với Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Kiến trúc độc đáo với ba tòa chính song song và nhà Thủy Đình giữa hồ Long Trì. Hai cây cầu cổ Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều tạo cảnh quan "tiền thủy hậu sơn" hữu tình.

2.8. Đền Quán Thánh (Hà Nội) 

Đền Quán Thánh là một trong Thăng Long Tứ Trấn, trấn phương Bắc, nằm gần Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Xây dựng từ thời Lý Thái Tổ, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Điểm nhấn là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen khổng lồ, cao 3.96m, nặng khoảng 4 tấn, đúc năm 1677.

2.9. Chùa Kim Cổ (Hà Nội) 

Chùa Kim Cổ nằm tại Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Khởi nguồn từ thời Lý-Trần, là một trong Thăng Long tứ quán. Chùa thờ Phật và tưởng niệm Nguyên phi Ỷ Lan, người được tôn vinh là Phật Bà Quan Âm. Tồn tại gần 1000 năm, chùa bảo lưu được những nét văn hóa hiếm có của Thăng Long xưa.

2.10. Chùa Hoè Nhai (Hà Nội)

Chùa Hoè Nhai còn gọi là Hồng Phúc Tự, tọa lạc tại Hàng Than, Ba Đình. Có lịch sử lâu đời từ thời Lý, là một trong những chùa cổ nhất Hà Nội. Kiến trúc mang phong cách chùa cổ Bắc Bộ, lưu giữ nhiều di vật quý như tượng Phật cổ, vì kèo gỗ chạm khắc tinh xảo và gần 30 tấm bia đá cổ.

2.11. Chùa Một Cột (Hà Nội)

Biểu tượng kiến trúc độc đáo của Hà Nội, xây dựng năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông. Chùa có hình dáng như bông sen nở trên mặt nước với điện thờ nhỏ đặt trên một cột đá duy nhất giữa hồ vuông. Công trình hiện tại được phục dựng năm 1955, thờ Quan Âm Bồ Tát, thể hiện tinh hoa kiến trúc thời Lý.

2.12. Chùa Thái Cam (Hà Nội)

Chùa Thái Cam được xây dựng năm 1822 tại phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm. Chùa rộng rãi so với các chùa khác trong khu phố cổ, bao gồm các công trình: cổng, tiền đường, điện Phật, nhà Tổ, nhà Mẫu. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ vọng Trần Hưng Đạo và lưu giữ 13 tấm bia đá quý.

2.13. Phủ Tây Hồ (Hà Nội)

Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo nhỏ giữa Hồ Tây, làng Nghi Tàm. Thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn với truyền thuyết Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan gặp Mẫu tại đây vào thế kỷ 16. Kiến trúc mang đậm nét đền, phủ thờ Mẫu truyền thống với các cung thờ và tượng sơn son thếp vàng rực rỡ.

3.1. Ga Đỗ Quyên – Fansipan (Sa Pa)

Ga Đỗ Quyên là điểm dừng chân lý tưởng cho nhiều du khách trên hành trình chinh phục đỉnh Fansipan (Sa Pa) – ngọn núi cao nhất Đông Dương. Tại đây, du khách có thể ghé thăm Bích Vân Thiền Tự để dâng hương, cầu an cho bản thân và gia đình.  

Từ ga, du khách nhìn thấy Đại Tượng Phật A Di Đà – pho tượng Phật bằng đồng cao nhất Việt Nam, được chế tác kỳ công với chiều cao 21,5m, nằm ở độ cao 3.075m so với mực nước biển. Tượng được tạo thành từ hàng vạn tấm đồng dày 5mm, tổng trọng lượng lên đến 62 tấn. Phóng tầm mắt xa hơn, có thể thấy cột cờ sừng sững tại đỉnh nóc nhà Đông Dương.  

Từ Ga Đỗ Quyên, du khách có thể lựa chọn đi bộ qua 600 bậc đá để khám phá đỉnh Fansipan, hoặc trải nghiệm hành trình thư thái hơn với tuyến tàu hỏa leo núi, đưa bạn chạm tới độ cao 3.143m.

3.2. Kim Sơn Bảo Thắng Tự (Fansipan, Sa Pa)

Toạ lạc ở độ cao 3.091m, Kim Sơn Bảo Thắng Tự là công trình lớn nhất của quần thể văn hóa tâm linh Fansipan, mang phong cách kiến trúc "nội công - ngoại quốc" của chùa Việt truyền thống, với đầy đủ các thành phần: tiền đường, tam bảo, nhà tổ, hành lang bên, tháp đá, cổng tam quan... kế thừa từ những tiền mẫu di tích chùa gỗ có niên đại sớm nhất trên đất Việt như chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội), chùa Thái Lạc (Văn Lâm, Hưng Yên), chùa Thầy (Hà Nội)… 

Ở vị trí trung tâm của Kim Sơn Bảo Thắng Tự là Đại Hùng Bảo Điện, nơi quy tụ nhiều pho tượng Phật do các nghệ nhân tạc tượng nổi tiếng của Việt Nam chế tác, được bài trí tuân thủ nghiêm ngặt quy định của thiền phái Bắc tông. Chạy dọc hai bên tòa thượng điện là hành lang tả vu, hữu vu, trưng bày 18 pho tượng La Hán bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. 

Cũng thuộc quần thể Kim Sơn Bảo thắng tự là Miếu Sơn Thần thờ thần núi, sở hữu kiến trúc, đường nét kiến trúc tâm linh thời Trần, và tòa bảo tháp 11 tầng ốp đá sa thạch nguyên khối, đỉnh tháp hình hoa sen được đúc bằng đồng, kế thừa thiết kế từ ngôi tháp chùa Phổ Minh ở Nam Định.   

Kim Sơn Bảo Thắng Tự toát lên vẻ cổ kính với những cột gỗ giữ nguyên màu tự nhiên, kiến trúc mái chùa dựa trên hình mẫu từ các di chỉ Thăng Long được phục chế bằng đất nung và phủ men. Giữa không gian hùng vĩ của đỉnh Fansipan, ngay nơi đại huyệt mạch của quốc gia, nơi đây đã trở thành chốn linh thiêng tìm về để cầu mong an lành, may mắn của du khách, Phật tử bốn phương.

3.3. Chùa Bích Động (Ninh Bình)

Chùa Bích Động nằm tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, thuộc Quần thể Tràng An (Di sản Thế giới). Hình thành từ thế kỷ 15, xây dựng lại năm 1705. Kiến trúc độc đáo với ba ngôi chùa riêng biệt (Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng) ở ba tầng khác nhau trên sườn núi Ngũ Nhạc Sơn.

3.4. Địa Tạng Phi Lai Tự (Hà Nam)

Ngôi chùa nằm trong thung lũng tại Hà Nam, được xây dựng lại năm 2015 trên nền chùa cổ từ thời Lý. Kiến trúc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, chú trọng hòa quyện với thiên nhiên. Các công trình được làm từ gỗ, đá tự nhiên với thiết kế tối giản, thanh thoát, tạo không gian thiền định an lạc.

3.5. Chùa Keo (Thái Bình)

Thần Quang Tự, xây dựng năm 1630, hoàn thành năm 1632 dưới thời Lê Trung Hưng, gắn với Thiền sư Không Lộ. Quần thể rộng lớn gồm 20 công trình với 128 gian theo kiến trúc "nội công ngoại quốc". Điểm nhấn là Gác chuông ba tầng cao gần 12m với bộ khung gỗ phức tạp, là kiệt tác về kỹ thuật mộc truyền thống.

3.6. Đền Phù Ủng (Hưng Yên)

Đền Phù Ủng toạ lạc tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255-1320). Mang phong cách kiến trúc đền miếu cổ truyền, bố trí theo trục dọc với cổng Tam quan, sân rộng, Tả vu, Hữu vu và các cung thờ. Hàng năm, lễ hội đền tái hiện cuộc đời và chiến công của tướng quân. 

3.7. Chùa Đồng Yên Tử (Quảng Ninh)

Chùa Đồng Yên Tử tọa lạc trên đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m), thuộc Uông Bí. Gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Chùa độc đáo được đúc hoàn toàn bằng đồng, nặng gần 70 tấn, mô phỏng hình đài sen, là điểm đến cao nhất và linh thiêng nhất trong hành trình hành hương Yên Tử.

3.8. Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)

Chùa Bút Tháp còn gọi là Ninh Phúc Tự, tọa lạc bên sông Đuống, huyện Thuận Thành. Kiến trúc chùa là một trong những quần thể gỗ hoàn chỉnh và đẹp nhất Việt Nam. Nổi bật với cây Cầu Đá, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (Bảo vật quốc gia) và Tháp Báo Nghiêm 5 tầng cao 13m.

3.9. Chùa Dâu (Bắc Ninh)

Chùa Dâu còn gọi là Diên Ứng Tự, Pháp Vân Tự, nằm tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Được công nhận là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, xây dựng vào thế kỷ 2-3, gắn với huyền thoại bà Man Nương và tín ngưỡng Tứ Pháp. Nổi bật với Tháp Hòa Phong 3 tầng và lễ hội rước tượng Tứ Pháp.

3.10. Chùa Đồng Thiện (Hải Phòng)

Chùa Đồng Thiện tọa lạc trên đường Đồng Thiện, quận Lê Chân. Xây dựng vào những năm 1930 do Hội đồng thiện đứng chủ. Kiến trúc bề thế, khang trang với cổng Tam quan, tòa Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, giảng đường. Là trung tâm Phật giáo quan trọng, nơi diễn ra các khóa lễ, giảng pháp và đại lễ Phật giáo.

3.11. Chùa Thiên Mụ (Huế)

Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, bên bờ sông Hương, chùa được Nguyễn Hoàng xây dựng năm 1601. Biểu tượng nổi bật là Tháp Phước Duyên 7 tầng cao 21m. Chùa còn có cổng Tam Quan, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, đã trở thành linh hồn của xứ Huế.

3.12. Chùa Ngọc Hoàng (TP. Hồ Chí Minh)

Chùa Ngọc Hoàng còn gọi là Phước Hải Tự, tọa lạc tại Đa Kao, Quận 1. Xây dựng năm 1892 theo phong cách chùa Quảng Đông với mái ngói âm dương trang trí dày đặc, cột gỗ chạm khắc tinh xảo. Thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng nhiều vị thần, nổi tiếng linh thiêng trong việc cầu tự tại điện Kim Hoa Thánh Mẫu.

3.13. Chùa Dơi (Sóc Trăng)

Ngôi chùa Khmer tiêu biểu tại đồng bằng sông Cửu Long với lịch sử hơn 400 năm. Mang tên "Chùa Dơi" vì có hàng vạn con dơi ngựa sinh sống trên những cây cổ thụ trong khuôn viên. Kiến trúc đặc trưng Nam tông với chánh điện trên nền cao, mái nhiều tầng, trang trí rực rỡ bằng các bích họa Phật giáo, là trung tâm văn hóa, tôn giáo quan trọng của cộng đồng Khmer.

Trong Phật giáo, hoa tượng trưng cho thiện lành, thanh khiết và giáo lý vô thường. Mỗi loài hoa mang ý nghĩa riêng: hoa hồng biểu trưng tình yêu thương, hoa cúc tượng trưng cho người quân tử, hoa đào thể hiện sức sống dồi dào. Đặc biệt, hoa sen là thánh hoa Phật giáo - gắn với sự đản sinh của Đức Phật và tượng trưng cho sự thanh tịnh, thuần khiết. 

Hoa sen mọc từ bùn mà không nhiễm mùi bùn, tượng trưng cho tâm linh vô nhiễm và Phật tánh vốn có trong mỗi người.

Triển lãm “Về Ngộ” của họa sĩ Hoàng Phong là một điểm nhấn văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú đời sống nghệ thuật tại Núi Bà Đen, Tây Ninh, đặc biệt trong dịp Đại lễ Vesak 2025 . Qua từng nét cọ của họa sỹ tài hoa, người xem được mời gọi bước vào không gian tĩnh lặng của thiền, chiêm nghiệm vẻ đẹp tâm linh của kiến trúc chùa Việt và hành trình tìm về sự an yên trong tâm hồn. Đừng bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo này từ ngày 25/04 tới tại núi Bà Đen, Tây Ninh.