1. Họa sĩ Hoàng Phong: Hành trình nghệ thuật và cảm hứng sáng tác
1.1. Hành trình nghệ thuật
Sinh năm 1987, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, họa sĩ Hoàng Phong là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM và thành viên của Hiệp hội Màu nước Quốc tế (IWS). Anh có hơn một thập kỷ theo đuổi hội họa màu nước và đã để lại dấu ấn qua nhiều triển lãm cá nhân, dự án nghệ thuật cộng đồng trong và ngoài nước.
Hoạ sĩ Hoàng Phong. Ảnh: Sưu tầm
1.2. Cảm hứng sáng tác của hoạ sĩ Hoàng Phong
Trong suốt hành trình nghệ thuật, họa sĩ Hoàng Phong không bó mình vào đề tài cụ thể mà mở rộng biên độ cảm hứng từ thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa truyền thống đến tâm linh và đời sống thường nhật. Mỗi tác phẩm là một lát cắt cảm xúc – chậm rãi, tinh tế, đôi khi là những khoảnh khắc rất đời thường nhưng được nhìn bằng con mắt của thiền và nghệ thuật.
Tác phẩm của hoạ sĩ Hoàng Phong khắc họa những khoảnh khắc đời thường một cách tinh tế, nghệ thuật. Ảnh: Sưu tầm
2.Tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Hoàng Phong
2.1. “Ký ức đồng dao”
Một trong những bộ tranh nổi bật của họa sĩ Hoàng Phong là “Ký ức đồng dao”, được sáng tác tại núi Bà Đen (Tây Ninh) – ngọn núi cao nhất Nam Bộ với không gian linh thiêng, trầm mặc và gắn liền với những câu chuyện dân gian, tâm linh huyền bí.
Trong 5 ngày sống và sáng tác tại đây, họa sĩ Hoàng Phong đã thực hiện 34 tác phẩm màu nước, thể hiện hành trình “thiền hoạ” – vừa chiêm nghiệm vừa sáng tạo trong trạng thái nội tâm an tĩnh. Bộ tranh là một dòng chảy liên tục về ký ức tuổi thơ, văn hóa dân gian và biểu tượng Á Đông.
Trò chơi trẻ em được tái hiện đặc sắc qua bộ sưu tập “Ký ức đồng dao”.
Yếu tố thiền trong tranh của hoạ sĩ Hoàng Phong. Ảnh: Sưu tầm
Các đèn đăng được vẽ lại từ bộ tranh “Ký ức đồng dao”.
Không chạy theo chi tiết rườm rà, tranh được vẽ bằng màu nước loãng, trong, đường nét uyển chuyển nhưng tiết chế, kết hợp mảng màu mờ ảo, tạo nên một “trường khí” thiền tĩnh, dịu dàng mà sâu sắc. Anh không miêu tả thực, mà gợi mở cảm xúc, đánh thức những vùng ký ức bị quên lãng – giống như cách trẻ thơ nhớ về bài đồng dao ngày xưa.
Phong cách này cũng gợi liên tưởng tới triết lý “Vô Vi” trong Đạo giáo – nơi vẻ đẹp không nằm ở hình thức rõ ràng, mà ở sự giản dị, mộc mạc và cảm giác tự nhiên của tâm hồn.
2.2. “Chút tình gửi phố”
Trước đó, triển lãm “Chút tình gửi phố” của họa sĩ Hoàng Phong tại TP.HCM và Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của giới yêu nghệ thuật. Bộ tranh là tập hợp những khung cảnh đô thị quen thuộc – góc phố nhỏ, mái nhà xưa, mùa hoa về phố… nhưng không bị gò bó trong kiểu “hoài cổ”.
Một Hà Nội đầy lãng mạn hiện lên trong từng bức tranh.
Những góc thân quen của Hà Nội được tái hiện qua góc nhìn của người con Sài Gòn.
Phong cách vẽ mềm mại, tươi sáng nhưng không rực rỡ, kết hợp với cấu trúc bố cục thoáng, tinh gọn, tạo cảm giác như người xem đang tản bộ giữa phố trong một buổi chiều không vội. Đó là loại nghệ thuật không phô trương, mà thấm dần vào người xem như một làn gió nhẹ.
2.3. “Về Ngộ” – Hành trình tỉnh thức bằng hội họa
“Về Ngộ” gồm 45 bức tranh màu nước vẽ về đền, chùa và không gian tâm linh trên khắp Việt Nam. Cảm hứng chủ đạo đến từ núi Bà Đen – nơi linh thiêng, kỳ vĩ, giúp họa sĩ tìm lại sự tĩnh tại nội tâm. Các biểu tượng như Chùa Bà, Linh Sơn Thánh Mẫu, Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, hay nghi lễ dâng đăng trên đỉnh thiêng đều được thể hiện sống động và đầy thiền vị.
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn
Linh Sơn Tiên Thạch Tự
Bên cạnh núi Bà Đen (Tây Ninh), bộ tranh “Về ngộ” của họa sĩ Hoàng Phong còn tái hiện nhiều danh thắng tâm linh nổi tiếng khắp Việt Nam như chùa Hương, chùa Keo, chùa Đồng, chùa Dâu... Bằng phong cách tả thực kết hợp tinh thần thiền họa độc đáo cùng sử dụng màu nước tự nhiên nghiền từ khoáng sản trên giấy Arches Pháp, tranh của Hoàng Phong đạt đến độ trong trẻo, thoáng đãng và nhẹ ngành tựa như lời thì thầm của tâm hồn.
Đền Ngọc Sơn, Hà Nội
“Về Ngộ” không chỉ là hành trình trở về với tâm thức, mà còn đánh dấu dấu ấn của họa sĩ Hoàng Phong trong dòng tranh tâm linh đương đại. Bộ tranh này sẽ được triển lãm tại núi Bà Đen từ ngày 25/4/2025, hướng tới Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
2.4. Các bộ tranh ký họa, phong cảnh màu nước
Ngoài các bộ tranh lớn, họa sĩ Hoàng Phong còn được biết đến với các tác phẩm ký họa phong cảnh, kiến trúc tâm linh và cảnh đời thường. Anh sử dụng bút lông mảnh, màu nước loãng để giữ lại độ mộc, độ thở của tranh – phản ánh sự trân trọng đối với cái đẹp trong từng khoảnh khắc sống.
Bức tranh tĩnh vật hoa sen có vẻ đẹp thanh tịnh và thuần khiết.
Góc phố cổ hiện lên cổ kính mà vô cùng bình dị.
Giàn hoa bên hiên nhà.
Vẻ đẹp đời thường của quán cafe sân vườn nhộn nhịp.
3. Phong cách hội họa đặc trưng của họa sĩ Hoàng Phong
Phong cách hội họa độc đáo của họa sỹ Hoàng Phong là sự giao thoa tinh tế giữa thiền – dân gian – màu nước, tạo nên dấu ấn rất riêng trong dòng tranh hiện thực. Tinh thần Zen (thiền) thấm đẫm trong từng nét vẽ tối giản, lược bỏ chi tiết thừa để giữ lại phần “hồn” cốt lõi, đưa người xem đến trạng thái tĩnh tại và chiêm nghiệm sâu sắc. Bên cạnh đó, họa sĩ Hoàng Phong còn khéo léo lồng ghép văn hóa dân gian vào tranh một cách sống động, vừa dung dị vừa đương đại, mới mẻ.
Tác phẩm về Linh Sơn Thánh Mẫu mang đậm dấu ấn nghệ thuật của hoạ sĩ Hoàng Phong.
Kỹ thuật màu nước hiện đại với nhiều lớp loãng – mờ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phác và tả, khô và ướt, giúp tranh đạt được chiều sâu cảm xúc và độ rung động thị giác. Điểm đặc biệt trong tranh của họa sĩ Hoàng Phong là không mô tả hiện thực một cách trực tiếp, mà hiện thực ấy được gạn lọc qua cảm xúc, như một bản nhạc tĩnh lặng, nhiều khoảng nghỉ, khiến người xem muốn dừng lại lâu hơn trước từng chi tiết nhỏ.
Trong tương lai, họa sĩ Hoàng Phong ấp ủ những dự án tranh màu nước lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và kiến trúc tâm linh Việt Nam. Anh cũng đang tìm cách kết nối nghệ sĩ quốc tế để mở rộng giao lưu, giới thiệu mỹ thuật Việt Nam ra thế giới thông qua triển lãm, hội thảo và sáng tác chung.
Họa sĩ Hoàng Phong là một nghệ sĩ kiên định theo đuổi hành trình nghệ thuật riêng, không chạy theo thị hiếu mà lựa chọn con đường chậm rãi, trầm lắng và đầy suy tư. Thế giới nghệ thuật của họa sĩ Hoàng Phong là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp tạo hình và cảm xúc nội tâm sâu sắc không ồn ào phô trương nhưng bền vững và đầy lôi cuốn.
Khám phá thêm: